Hòa Phát: Con đường lên số 1 thị trường thép xây dựng
Năm 1999, “hỏi 9 người thì đến 10 người cho rằng Hòa Phát sẽ thất bại” - ông Trần Đình Long từng chia sẻ.Con đường vào lĩnh vực thép xây dựng đối với Hòa Phát không trải đầy hoa hồng. Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2015, Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết năm 1999 “hỏi 9 người thì đến 10 người cho rằng Hòa Phát sẽ thất bại”. Nhưng sau 15 năm, tập đoàn này đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành, chiếm hơn 19% thị phần thép xây . Sản lượng và thị phần của Hòa phát liên tục tăng trưởng mạnh từ năm 2007 đến nay. Ngoại trừ năm 2012, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát sụt giảm do những khó khăn chung của nền kinh tế. Từ mức 7% năm 2007, Hòa Phát đã vượt qua Pomina, TISCO để vươn lên chiếm 19,1% năm 2014. Theo con số mới nhất, trong 7 tháng đầu năm công ty này đạt xấp xỉ 22% thị phần thép xây dựng cả nước. Đồ thị sản lượng thép tiêu thụ (tấn) và thị phần của Thép Hòa Phát. Tăng trưởng vượt bậc trong nửa đầu năm 2015 Giai đoạn 2 của Khu liên hợp thép Hòa Phát được hoàn thành vào cuối năm 2013 và bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh của Hòa Phát từ năm 2014. Thị phần năm 2014 của công ty tăng 3,84 điểm % nhờ kết quả nói trên. Điều này tiếp tục được thể hiện trong nửa đầu năm 2015. Một nguyên nhân chung khiến các doanh nghiệp thép có kết quả kinh doanh tương đối khả quan trong 6 tháng đầu năm 2015 là thị trường bất động sản ấm lên, kéo theo nhu cầu sử dụng thép xây dựng tăng cao trong kỳ. Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép tiêu thụ toàn ngành nửa đầu năm 2015 tăng 24% so với cùng kỳ 2014. Với Hòa Phát, công ty có lợi thế khi công ty có cơ cấu sản phẩm đặc thù phục vụ các dự án xây dựng cơ bản lớn, tỷ lệ tiêu thụ thép thanh của Hòa Phát luôn chiếm khoảng 80% tổng sản lượng bán hàng của công ty. 3 năm tới rủi ro không xuất hiện với thép Hòa Phát Sự 'bành trướng" của Thép Hòa Phát chưa dừng lại ở những kết quả nói trên. Hầu như công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đấy, việc mở rộng Khu Liên hợp Thép Hòa Phát mang một ý nghĩa tích cực với công ty. Theo kế hoạch, giai đoạn 3 của Khu liên hợp sẽ đưa tổng công suất của Hòa Phát lên mức 2 triệu tấn phôi thép từ năm 2016. Hòa Phát đặt mục tiêu sản lượng bán ra 1,5 triệu tấn trong năm 2016, con số này sẽ tăng thêm 20% (1,8 triệu tấn) trong năm tiếp theo và chạm mức 2 triệu tấn vào năm 2018. Mục tiêu của Hòa Phát không phải là không có rủi ro, nhưng ông Trần Đình Long tự tin cho biết, trong 3 năm tới, Hòa Phát không có mối lo nào đáng kể. Trong nhiều buổi tiếp xúc với Nhà đầu tư, đại diện Hòa Phát thừa nhận sức ép lớn nhất của công ty vẫn là thép Trung Quốc. Tuy nhiên, Hòa Phát cho rằng công ty đủ sức cạnh tranh với nguồn thép này nhờ vào chất lượng thép. Thuế nhập khẩu thép Trung Quốc vào Việt Nam hiện tại là 15%. Mức thuế này sẽ còn duy trì đến năm 2018 trước khi được cắt giảm xuống 0% theo hiệp định thương mại ASEAN – Trung Quốc. Trong nước, Formosa không đáng ngại như người ta vẫn nghĩ. Dự án này không sản xuất thép xây dựng trong giai đoạn 1 (3 năm tới). Trong giai đoạn 2, Formosa có kế hoạch sản xuất 1,2 triệu tấn thép/ năm nhưng khi đó Hòa Phát đã đạt tổng công suất 1,8 triệu tấn. Với Posco, công ty này đã đưa vào vận hành nhà máy công suất lên tới 1,2 triệu tấn/năm bằng công nghệ lò điện. Đại diện Hòa Phát cho rằng đây không phải là đối thủ cạnh tranh đáng ngại. Trong khi đó TISCO, doanh nghiệp thép nhà nước đang đứng thứ 3 trên thị trường. Công ty đang gặp khó khăn lớn về tài chính trong dự án Cải tạo Gang thép Giai đoạn 2 (tương tự công nghệ của Hòa Phát). Thời gian hoàn thành bị trì hoãn sẽ khiến cho dự án của TISCO kém cạnh tranh hơn rất nhiều so với Hòa Phát. Đan NguyênTheo Trí Thức Trẻ |